Sầu riêng là một loại cây ăn quả nhiệt đới, có hàm lượng dinh dưỡng cao và hương thơm đặc trưng. Đây là một trong những loại cây phổ biến và được ưa chuộng tại các quốc gia Đông Nam Á.
Để gia tăng năng suất và chất lượng trái, việc chăm sóc sầu riêng đúng cách – đúng kỹ thuật vô cùng cần thiết. Trong đó, quy trình chăm sóc cây sầu riêng con đặc biệt quan trọng. Áp dụng đúng kỹ thuật và quy trình chăm sóc từ đầu sẽ giúp định hình sự phát triển của cây tốt hơn ở giai đoạn mang trái về sau. Vậy quy trình chăm sóc cây sầu riêng con cần các kỹ thuật gì? Nhà vườn cần lưu ý những gì khi chăm sóc cây sầu riêng con? Hãy cùng DEGO AGROCHEM khám phá quy trình chăm sóc này trong bài viết dưới đây!
ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÂY SẦU RIÊNG PHÁT TRIỂN TỐT:
Điều kiện khí hậu
Sầu riêng là một loại cây ăn quả nhiệt đới, ưa ánh sáng và độ ẩm không khí cao.
- Nhiệt độ lý tưởng cho sầu riêng phát triển là từ 24 đến 30 độ C.
- Độ ẩm trung bình khoảng từ 65 đến 80%.
- Lượng mưa hàng năm cần đạt khoảng 2000mm. Trong trường hợp khô hạn kéo dài, cần cung cấp đủ nước cho cây. Lưu ý tránh ngập úng vào mùa mưa để không ảnh hưởng đến rễ cây.
- Thời điểm thích hợp để trồng sầu riêng là vào đầu mùa mưa từ tháng 6 – tháng 8 Âm lịch. Có thể trồng quanh năm nếu đảm bảo hệ thống tưới nước.
- Tránh trồng vào thời điểm mưa dầm để tránh tình trạng chậm phát triển hoặc chết do nghẹt rễ.
Loại đất trồng để sầu riêng phát triển tốt
Sầu riêng có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau. Lựa chọn tốt nhất để sầu riêng phát triển tốt là đất thịt, giàu chất hữu cơ và có khả năng thoát nước tốt. Một số loại đất phù hợp cho sầu riêng bao gồm đất đỏ bazan, đất phù sa và đất thịt nhẹ,… Độ pH lý tưởng của đất cho sầu riêng là từ 5 đến 6. Đất nhiễm mặn, phèn, đất có tỷ lệ sét cao và độ phì nhiêu kém không phù hợp cho sầu riêng phát triển.
Để đảm bảo cây phát triển tốt nhất và hạn chế sự phát triển của nấm Phytophthora Palmivora gây hại. Độ pH của đất cần được điều chỉnh trong khoảng 5,5 đến 6,5. Việc bón vôi hằng năm là cách hiệu quả để nâng cao pH đất và duy trì môi trường phát triển tốt cho sầu riêng.
Giống cây sầu riêng
Để sầu riêng có sức sống tốt và đạt năng suất cao, cần chú ý một số điểm trong lựa chọn giống cây sầu riêng:
- Trồng sầu riêng bằng phương pháp ghép mắt hoặc ghép cành.
- Cần trồng ít nhất 2 giống trên vườn để đảm bảo sự thụ phấn chéo và tăng hiệu suất đậu trái.
- Không nên trồng sầu riêng bằng hạt để tránh biến dị lớn.
- Cây giống có chiều cao từ 35 – 40cm. Cây thẳng, vững chắc và có ít nhất 3 cành cấp 1.
- Vết ghép phải liền và tiếp hợp tốt, đường kính thân (đo trên vết ghép 2cm) phải đạt trên 0,8cm.
- Số lá trên thân chính từ 1/3 chiều cao của cành ghép đến đỉnh chồi. Lá ngọn đã trưởng thành và xanh tốt.
- Cây quen ánh sáng hoàn toàn trong khoảng từ 10 -15 ngày.
- Tuổi cây khi xuất vườn nên từ 5 – 7 tháng tuổi sau khi ghép.
QUY TRÌNH CHĂM SÓC CÂY SẦU RIÊNG CON ĐẠT NĂNG SUẤT CAO:
Yêu cầu trong kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng mới trồng
- Nén đất chặt: Nén đất chặt chẽ xung quanh bầu cây khi đặt cây vào hố trồng để cố định bầu cây và hỗ trợ sự phát triển của cả hệ rễ.
- Cố định cây: Cắm cọc dọc theo thân cây và buộc dây cố định thân cây vào cọc để cây tránh bị lung lay và đảm bảo sự ổn định của cây trong quá trình sinh trưởng.
- Che nắng cho cây con: Che nắng cho cây con nhưng không nên che quá 50% ánh sáng. Đảm bảo cây nhận được đủ ánh sáng cần thiết cho quá trình quang hợp.
- Tưới nước đều đặn: Tưới nước đều đặn, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng. Việc này giúp cây con giữ được độ ẩm cần thiết và phòng trừ nguy cơ chết cây.
- Tủ gốc cho cây: Trong mùa khô, cần tủ gốc cho cây bằng rơm hoặc trấu gạo để giữ ẩm cho cây.
Quy trình chăm sóc cây sầu riêng con cần được thực hiện đúng kỹ thuật và thường xuyên để đảm bảo sự phát triển và sinh trưởng của cây. Kỹ thuật này còn bao gồm công tác kiểm tra thường xuyên hiện trạng cây, chăm sóc đúng cách và phòng trừ bệnh hại.
Chống nắng, gió cho cây sầu riêng con
Lá cây sầu riêng ở giai đoạn cây con thường mỏng và yếu. Để bảo vệ cây khỏi tác động của ánh nắng mạnh và tránh tình trạng cháy lá, cần che chắn để giảm lượng ánh sáng mặt trời. Đồng thời, do bộ rễ chưa phát triển hoàn thiện, cây con dễ bị gió làm lung lay, gãy cành và bật gốc. Do đó, nhà vườn nên cố định cây chặt chẽ trong giai đoạn này.
Một giải pháp hiệu quả để chống nắng và gió là trồng xen sầu riêng với các loại cây khác như cà phê, chuối, cam. Hiệu quả từ việc trồng xen bảo vệ cây sầu riêng khỏi tác động của gió và nắng và tối ưu hóa kinh tế từ vườn.
Tỉa cành và tạo tán cho cây sầu riêng con
Việc cắt tỉa và tạo tán trong quy trình chăm sóc cây sầu riêng con rất quan trọng. Quy trình cắt tỉa nên được thực hiện vào năm thứ 2 hoặc năm thứ 3 của cây. Khi tỉa cành – tạo tán, nhà vườn nên chú ý một số nguyên tắc như sau:
- Tạo khung tán đều, cân đối giúp cây phát triển đồng đều và tiếp nhận ánh sáng tối ưu.
- Loại bỏ cành yếu và nhiễm bệnh.
- Giữ các cành khỏe mạnh, phát triển tốt và có khả năng mang trái tốt.
- Tỉa cành khoảng cách đều nhau để ánh nắng lọt vào gốc cây.
- Cắt bỏ đọt cây quá mức và giữ độ cao trung bình từ 5 – 6m.
Bón phân và tưới nước cho cây sầu riêng mới trồng
Cây sầu riêng mới trồng có rễ cây yếu và nhạy cảm. Do đó, nhà vườn cần hạn chế bón phân vô cơ cho cây ở giai đoạn này. Bà con có thể bón phân trùn quế nhằm giúp đất tơi xốp, giàu mùn và kích cây nhanh ra rễ. Đồng thời, nhà vườn cần duy trì chế độ tưới tiêu đều đặn để cây phát triển tốt nhất.
Khoảng thời gian 5 – 7 ngày đầu, cần tưới nước đủ để rễ cây làm quen với môi trường đất.
- Bước 1: Thời gian từ 7 – 8 ngày đầu sau khi đặt cây con xuống hố, bón phân hữu cơ vi sinh xung quanh gốc. Cách gốc khoảng 20cm với liều lượng từ 1 – 3kg.
- Bước 2: Đến ngày thứ 10, kích thích sự phát triển của rễ, lá, thân và cành bằng cải tạo đất sinh học và bón phân nước.
- Bước 3: Sau gần nửa tháng, cần phòng trừ các loại côn trùng và bệnh hại bằng cách sử dụng thuốc diệt côn trùng và phun phòng.
Phòng bệnh cho cây sầu riêng con
Phòng trừ bệnh là một phần quan trọng trong quy trình chăm sóc cây sầu riêng con mới trồng. Việc áp dụng biện pháp phòng trừ kịp thời vô cùng quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh và giữ cho cây luôn khỏe mạnh.
Sau khoảng nửa tháng kể từ khi cây bung đọt, việc phun thuốc diệt côn trùng là cần thiết. Sau khoảng 1,5 đến 2 tháng sau khi bón phân hữu cơ, chỉ cần tưới nước để đảm bảo độ ẩm cho cây. Phụ thuộc vào tốc độ sinh trưởng và hiện trạng thực tế của cây để cân đối lượng phân bón và thuốc BVTV. Trường hợp cây nhiễm bệnh, nhà vườn cần chú ý thăm vườn thường xuyên để có biện pháp xử lý kịp thời.
Hình thức xen canh vườn sầu riêng có thể thu hút tuyến trùng và các loại nấm gây bệnh. Sau khi xử lý các tác nhân gây hại, nhà vườn nên có biện pháp bổ sung các loại nấm có lợi cho cây để tăng cường sức đề kháng cho cây.
LIÊN HỆ TƯ VẤN MIỄN PHÍ QUY TRÌNH CHĂM SÓC CÂY SẦU RIÊNG CON
Quy trình chăm sóc cây sầu riêng con đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển và cho năng suất hiệu quả. Bằng cách áp dụng đúng kỹ thuật và quy trình chăm sóc từ giai đoạn ban đầu, nhà vườn có thể tạo ra một môi trường lý tưởng cho cây phát triển mạnh mẽ, đồng thời giảm thiểu rủi ro về sâu bệnh hại.
Mời nhà vườn tham khảo thêm các kiến thức về cây trồng trong Bách khoa nhà nông của DEGO AGROCHEM. Quý nhà vườn có thể để lại câu hỏi dưới phần bình luận để được giải đáp. Chúc quý nhà vườn có một vụ mùa bội thu và năng suất cao!
- Hotline: 0866.26.06.06 – 0767.79.77.79
- Website: dego-agrochem.com.vn
- Email: agrochem.dego@gmail.com
- VPĐD: B19 – QL1A, P. Hưng Thạnh, Q Cái Răng, TP Cần Thơ.